UPES – Với mục tiêu cập nhật kiến thức về thể thao hiện đại, nâng cao hiệu quả huấn luyện và thi đấu, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP.HCM (UPES) đã tổ chức lớp “Tập huấn tâm lý thể thao năm 2023” diễn ra vào 2 ngày (15 và 16/12/2023) cho các HLV và giảng viên thể thao.
Trong huấn luyện thể thao, đội ngũ huấn luyện viên (HLV) giữ vai trò quan trọng trong công tác đào tạo, huấn luyện, nhất là với vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao. Để đạt được các vấn đề trên chúng ta cần quan tâm xây dựng lực lượng làm công tác huấn luyện đạt chuẩn về chuyên môn, bảo đảm chất lượng và tính kế thừa.
Tâm lý thể thao là một lĩnh vực nghiên cứu vô cùng quan trọng, giúp chúng ta hiểu rõ hơn tâm lý của các vận động viên, đội tuyển và vai trò quan trọng của yếu tố tâm lý đối với thành tích thể thao.
Lớp “Tập huấn tâm lý thể thao năm 2023” có sự tham gia của hơn 250 học viên là các HLV, giảng viên thể thao tại TPHCM và các tỉnh, thành lân cận. Trong 4 buổi học, các học viên được các chuyên gia bao gồm GS. TS. Youngho Kim (Doong-Hô-Kim), Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Thể thao Khu vực Nam Á Thái Bình Dương (ASPASP), Khoa Khoa học Thể thao – Trường Đại học Quốc gia về Khoa học và Công nghệ Seoul, Hàn Quốc; PGS. TS. Garry Kuan (Ga-ri-koan), Tổng thư ký Hiệp hội Tâm lý Thể thao Khu vực Nam Á Thái Bình Dương (ASPASP), Trường Khoa học sức khoẻ – Đại học Sains Malaysia, Malaysia; Trợ lý GS. TS. Naruepon Vongjaturapat (Na-ruê-pon Vong-cha-tu-ra-pát), Hiệp hội Tâm lý Thể thao Khu vực Nam Á Thái Bình Dương (ASPASP), Khoa Khoa học Thể thao – Trường Đại học Burapha, Thái Lan; TS. Yasuhisa Tachiya (Da-su-hi-sa Ta-chi-da), Hội đồng Quản lý – Hiệp hội Tâm lý Thể thao Khu vực Nam Á Thái Bình Dương (ASPASP), Viện Khoa học Thể thao Nhật Bản, Nhật Bản cung cấp các kiến thức cập nhật và nâng cao về huấn luyện và cải thiện tâm lý thi đấu, xây dựng mục tiêu thi đấu, quản lý, giải tỏa căng thẳng và đối phó với áp lực nước chủ nhà.
Giáo dục tâm lý là một yếu tố không thể tách rời cùng với việc phát triển tố chất chuyên môn trong thể thao. Tâm lý mạnh mẽ có thể giúp vận động viên vượt qua áp lực, tập trung tốt hơn và duy trì sự cân bằng trong quá trình huấn luyện và thi đấu. Ngoài ra, giáo dục tâm lý cũng giúp họ xây dựng sự tự tin, kiểm soát cảm xúc và phục hồi sau khi gặp thất bại. Việc giáo dục tâm lý sẽ giúp tạo ra một môi trường huấn luyện tích cực, nơi mà tâm lý và tinh thần của vận động viên được quan tâm và phát triển đồng đều với thể chất.
Trong thể thao hiện đại, bên cạnh kỹ chiến thuật, thể lực thì yếu tố tâm lý có vai trò rất quan trọng tới kết quả thi đấu. Thể thao Việt Nam từng chứng kiến VĐV bắn súng Nguyễn Hoàng Phương để tuột HCV tại Asiad 17 vào phút chót hay xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng từng thất bại do tâm lý thi đấu chưa tốt ở những thời khắc quyết định trong cuộc thi tầm Châu lục.
Có thể thấy thất bại vì tâm lý kém đáng tiếc ở chỗ, nếu đấy là thất bại về mặt chuyên môn, người ta dễ thấy đối phương hơn mình và tìm cách san lấp khoảng cách về mặt trình độ. Nhưng thất bại vì tâm lý không vững càng khiến cho người ta tiếc nuối ở chỗ đối phương không hơn mình nhưng họ vẫn thắng. Điều này càng khẳng định tầm quan trọng của huấn luyện tâm lý cho HLV, giảng viên và VĐV thể thao.
Tác giả: Anh Thư (SaigonTheThao.vn).
Hình ảnh: Hoàng Tùng.